Chiều giông Mả ngụy cũng giông.
Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây.
Sống thời gươm bén cầm tay.
Chết thời một sợi lông mày cũng buông
Mấy câu thơ được lưu truyền trong dân chúng, không biết từ hồi nào, mà cho tới hôm nay khi nghe lại, người ta vẫn cảm thấy rùng mình. Cái gì mà “hồn lên lớp lớp”? Mà Mả Ngụy là gì?
Mả là mộ, còn Ngụy là giả, là bất chính, từ thường giành để gọi quân phiến loạn. Mả Ngụy ở đây là chỉ cái mồ chôn tập thể cho những người tham gia cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi thời Minh Mạng.
Nguyên Lê Văn Khôi là con nuôi của tổng trấn Gia Định thành thời đó, là Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt là trọng thần của vua Gia Long, nhưng có nhiều hiềm khích với vua Minh Mạng. Năm 1832, Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng cho làm một tờ cáo trạng rồi buộc tội Lê Văn Duyệt chống triều đình. Rồi xử bằng nhiều cách trong đó có bắt và giết những người thân tín của Lê Văn Duyệt.
Lê Văn Khôi là con nuôi, nên bị bắt giam. Ông liền cùng với phe cánh tìm đường vượt ngục, rồi mộ thêm quân lính khắp Nam Bộ với ý muốn lật đổ nhà Nguyễn. Quân Lê Văn Khôi từ một nhóm nhỏ ở thành Phiên An, sau lớn mạnh, chiếm được cả Nam Kỳ lục tỉnh chỉ trong thời gian ngắn.
Sau đó Minh Mạng mới cử quân vào vây đánh Lê Văn Khôi. Quân Minh Mạng mạnh hơn, chiếm lại được các tỉnh Nam Kỳ. Quân Lê Văn Khôi lui vào thành Bát Quái cố thủ. Sau hơn 1 năm vây hãm, triều đình đã chiếm lại được thành. Lúc này Minh Mạng liền sai xử tử tất cả những người theo Lê Văn Khôi, mà theo nhiều ghi chép, là 1831 người cả thảy.
Sử sách lại ghi rằng sau khi bị giết, hàng nghìn người đó được chôn chung vô một chỗ, gọi là Mả biền tru – hay còn gọi là Mả ngụy.

Thành Phiên An, nơi Lê Văn Khôi bắt đầu cuộc nổi loạn, cũng gọi là thành Gia Định, thành Sài Gòn, có vị trí ở ngay trung tâm Sài Gòn ngày nay.
Còn Mả ngụy, mồ tập thể của hàng nghìn quân Lê Văn Khôi, thì chưa có xác nhận được vị trí chính thức. Theo một số nhà nghiên cứu, như Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Thanh thì Mả ngụy nằm ở khu vực gần Mô Súng. Theo Đặng Văn Ký thì mả ngụy ở gần chỗ nay là bệnh viện Bình Dân. Còn theo Vương Hồng Sển thì mộ ở gần trường đua cũ, tại góc đường nay là góc đường Điện Biên Phủ và Cách mạng tháng 8.
Những vị trí này tuy khác nhau, nhưng đều ở quanh khu vực mà ngày nay là ngã sáu Công Trường Dân Chủ. Khu này xưa kia là 1 cách đồng rộng lớn, hoang vu, thường dùng để tập trận, nên còn gọi là Đồng Tập Trận, Mô Súng.

Cũng có ý kiến khác, cho rằng MẢ Ngụy không riêng chi một cái mả mà là nhiều mả rải rác, mỗi mả chôn vài ba trăm xác. Như trong cuốn Gia Định xưa, tác giả Huỳnh Minh đã kể ra mấy vị trí mà nếu xét ra địa điểm ngày nay thì, một cái ở trước rạp Đại Đồng đường Cao Thắng, một cái ở Đỗ Hữu Từ Đường, tức Vườn bà lớn trên đường Điện Biên Phủ, một cái ở chỗ khuôn viên Việt Nam Quốc Tự, ngoài ra còn vài cái ở Thủ Đức và trên đường Lý Thường Kiệt.
Tới hôm nay, chưa có gì xác nhận, nhưng chừng đó lời phỏng đoán đủ để ta tin rằng dưới nền của những khu phố xá đông đúc của Sài Gòn hôm nay, còn đó hàng nghìn bộ hài cốt vô danh, chung chạ và chắc là không cái nào toàn vẹn.
Mả Ngụy vẫn còn là một huyền thoại, trường tồn với dòng lịch sử của Sài Gòn, một huyền thoại không lấy gì làm thơ mộng