Đồng ông Cộ là một địa danh nổi tiếng của đất Sài Gòn – Gia Định xưa. Ngày nay ra khu vực gần chợ Bà Chiểu, hỏi Đồng Ông Cộ, người ta sẽ chỉ đến ngã ba Đồng Ông Cộ trên đường Bùi Đình Túy chỗ hẻm 67. Thực ra đồng ông Cộ, như tên gọi, vốn là một địa bàn rộng lớn chứ không chỉ là một cái ngã ba. Tên gọi Đồng ông Cộ ngày nay không còn nói lên được đặc điểm địa hình của nó, vì cánh đồng ngày xưa nay đã là những khu dân cư nhà cửa chen chúc.
Vậy nguồn gốc cái tên đồng ông Cộ kia như thế nào? Tên này có từ lúc xứ Sài Gòn còn đất rộng người thưa, đường xá chưa có hệ thống, nhất là vùng ngoại thành. Phương tiện tốt nhất thuở ấy là đường sông, còn đường bộ là những dải nhấp nhô ngoằn ngoèo, thật bất tiện cho việc vận chuyển đồ đạc, hàng hóa.
Ở khu vực sát chợ Bà Chiểu khi ấy là một cánh đồng trải rộng từ khoảng Ngã ba tượng đài liệt sĩ ăn tới cầu Hang Gò Vấp, ngã năm Bình Hòa, khu hàng Xanh, rồi ăn qua Cầu Bình Lợi chừng chục cây số. Bây giờ tính ra nơi xa nhất của khu vực này cũng chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng vài chục phút chạy xe, nhưng ngày xưa, với phương tiện thô sơ và hạ tầng giao thông hạn chế thì phải mất cả ngày trời.

Bấy giờ có ông Ba Phú Hộ, là một người giàu có trong vùng, nhận thấy sự khốn khó của người dân và cũng là cơ hội làm ăn cho mình, liền treo trước nhà tấm bảng: “Đảm nhận cộ người và hàng hóa đi khắp nơi”. Song song với việc mở dịch vụ, ông Phú Hộ nọ còn cho tuyển dụng thanh niên trai tráng khắp nơi, nếu không thích làm nông thì đến chỗ ông xin việc “cộ” người và hàng.
Về phương tiện vận tải, ông Ba cho làm hai loại. Loại chở người làm bằng những tấm tre đan, với hai cọc tre ló đầu ra cho hai người trước sau cùng khiêng, còn hành khách ngồi ở giữa, thò chân lủng lẳng phía dưới. Loại còn lại là để chở hàng hóa, thì khúc giữa là miếng ván phẳng và dày để chất được nhiều đồ mà không sợ bị oằn xuống.
Người cần chuyển hàng, chuyển người, thì báo trước cho ông Ba biết địa chỉ nhà, sáng hôm sau liền có phương tiện tới rước. Dịch vụ này tỏ ra tiện lợi, đỡ tốn công sức, lại còn giải quyết được việc làm cho số trai tráng không thích làm vườn, đánh cá, cho nên được dân trong vùng ưa thích, rồi dần dần, cái tiếng tăm của ông “Cộ” trở nên nổi nhất vùng. Khu cánh đồng bát ngát ấy được người dân gọi là đồng Ông Cộ cho dễ nhớ.

Cái tên đó tồn tại đến ngày nay. Trải qua năm tháng, khu vực đồng ông Cộ từ là một chốn đồng cỏ hoang phế, bị dân chúng né tránh vì không hợp để canh tác, thì nay đã là những khu dân cư nhộn nhịp với nhà ở, cửa hàng, chợ búa, chùa chiền. Ngày xưa Đồng ông Cộ không có được con đường đàng hoàng, làm ai nấy e ngại chuyện đi xa, thì ngày nay đường lớn, đường nhỏ, các ngõ ngách đã giăng kín, chỉ sợ đi lạc đường chứ không sợ không có đường đi.
Nhắc chuyện đồng ông Cộ, đến thăm đồng ông Cộ, để nhận ra sự biến đổi diện mạo nhanh chóng của mảnh đất Sài Gòn trong dòng chảy thời gian. Trong khi cái tên Đồng ông Cộ vẫn còn được gọi lên mỗi ngày, thì cánh đồng ông Cộ đã vĩnh viễn lui vào trong quá khứ.