Đi Tìm Cây Mai

Chia sẻ qua

Trong các ghi chép về Sài Gòn xưa, ta thường thấy nhắc tới các địa danh Vùng Cây Mai, Đường cây Mai, Gò cây Mai, chùa Cây Mai, đồn Cây Mai. Ngày nay thì soi khắp bản đồ Sài Gòn không tìm ra được một địa danh Cây Mai nào nữa. Không ít người tự hỏi các địa danh đầy dang díu kia nay là những chỗ nào? Cái Cây Mai nổi danh ngày ấy nó ra làm sao? Bây giờ có còn không và cho dẫu còn hay mất, thì nó đã mọc ở đâu trên xứ sở này?

May mắn cho những kẻ hậu thế ưa tìm tòi, vì cái tên Cây Mai kia vẫn còn được dùng, tuy chỉ phổ biến trong một khu vực nhỏ, đó là khu chung cư Cây Mai ở phường 16, quận 11. Chung cư này nằm trong vùng Cây Mai mà sách xưa nhắc tới. Con đường Cây Mai thời Pháp dẫn tới địa điểm này, nay là đường Nguyễn Trãi. Và Gò cây Mai xưa kia, chúng ta có thể hình dung một cách khái quát theo những ghi chép của Trịnh Hoài Đức:

“…ở phía nam trấn ba chục dặm rưỡi, nơi đây, gò đất nổi cao, có nhiều nam mai, cành chi chít hoa, không có tuyết, chỉ có giá đỡ, mùi rất thơm. Hoa này tự linh khí mà sinh ra, không thể đem đi trồng nơi khác được. Trên gò có chùa Ân Tông, đêm vang tiếng đọc kinh, chuông sáng, trống chiều rền trong mây khói. Lại có suối chảy quanh chân gò. Các du nữ chiều mát chống thuyền hái sen. Gặp ngày trời đẹp, văn nhân thi sĩ mang bầu rượu theo từng bậc cấp, ngâm vịnh ở đầu gò. Dưới gốc mai, hoa cùng văn tự nồng nực hương thơm, thật là thắng cảnh cho mọi người du lãm…”

Trịnh Hoài Đức cũng là một trong những văn nhân thi sĩ trong đoạn ghi chép trên, nên lời mô tả của ông có lẽ hơi bay bướm một chút, tuy nhiên, ta cũng có thể tin rằng nơi này xưa kia là một chốn thắng cảnh hữu tình được nhiều người ưa thích. Nhóm Bạch Mai Thi Xã nổi tiếng ở khoảng giữa thế kỷ 19, với các tên tuổi Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Thủ Khoa Huân, Bùi Hữu Nghĩa, Tôn Thọ Tường… được đặt tên từ loại cây Bạch Mai ở cái Gò này.

Cây Bạch Mai ở chùa Phụng Sơn. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên.

Theo một số tài liệu, gò đất này cao chừng 5 mét. Bây giờ gò đã được làm phẳng bớt, nhà cửa chằng chịt bao quanh, không thể nhận ra bằng mắt thường. Tìm hiểu thêm, ta được biết cái khu đất gò xưa kia đã bị Pháp lấy để dựng đồn binh Cây Mai, qua nhiều biến cố lịch sử, nay đã trở thành khu đất của Doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam, nằm kế bên chung cư Cây Mai, ngay góc Hồng Bàng, Nguyễn Thị Nhỏ.

Chùa Ân Tông hay chùa Cây Mai, nay gần như mất dấu. Đi về phía sau khu vực doanh trại, ta chỉ tìm thấy một cái miếu nhỏ thờ Tiên sư. Nhưng bên cạnh cái miếu đó, ta cũng thấy một chứng tích quan trọng hơn, đó là một cây Bạch Mai cổ thụ, cũng được lập một miễu thờ nhỏ để hương khói. Cây mai này hiện nay đã rỗng ruột, may mắn là từ cái cội rễ già nua đó vẫn có rất nhiều cành nhánh mới vươn lên. Về giống Bạch Mai này, cần phải nói rõ hơn, nó không phải là loại mai Tết thường thấy, hay Mai Mơ trong các điển tích thơ ca xưa. Đây là giống Mai mà dân gian thường gọi Mai mù u, rất quý hiếm. Mai mù u cũng nở hoa vào mùa xuân, hoa trắng, nhỏ, có mùi thơm tinh khiết, khi nở cánh hoa không xòe ra mà hơi co lại như còn quyến luyến với mùi hương. Ở Sài Gòn còn có chùa Giác Viên và chùa Phụng Sơn mỗi chùa có một cây, riêng cây ở chùa Phụng Sơn chính là hậu duệ của các cây Mai ở gò Cây Mai này.

Như vậy, trong khi các địa danh có dính dáng tới Cây Mai xưa, từ chùa, gò, đường sá, cho tới cái tên Bạch Mai Thi Xã vang bóng một thời…nay đã không còn được dùng, thì đối tượng chính trong các địa danh này là cây Mai vẫn còn đó. Đó là một điều đáng để chúng ta ngạc nhiên rồi vui mừng, nhưng trước hết, là để chúng ta nhận thức đúng giá trị của cây mai, không chỉ là một cái cây mà còn là một di tích, một câu chuyện lịch sử, để quan tâm chăm sóc cho tốt. 

Anh Khiêm (Saigonxua.com)


Chia sẻ qua

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *