Đi Thăm Mộ Cụ Phan Châu Trinh

Chia sẻ qua

Mộ Phan Châu Trinh nằm ở số 9 đường Phan Thúc Duyên, f4 quận Tân Bình. Đây có thể coi như một trong những di tích quan trọng nhất về Phan Châu Trinh, một nhà cách mạng lớn của VN đầu thế kỉ 20.

Cụm di tích này có tên đầy đủ là “Nhà lưu niệm mộ Phan Châu Trinh”, gồm đền thờ, mộ phần và nhà lưu niệm về Phan Châu Trinh. Ban đầu, nơi đây chỉ có phần mộ, chôn trên đất của nghĩa trang tương tế Gò Công, thuộc làng Tân Sơn Nhất, hạt Gia Định. Phần đền thờ và nhà lưu niệm được xây thêm sau này.

Khuôn viên của cụm di tích rộng 2.500 mét vuông, có tường rào bao bọc. Từ ngoài vào, thấy tượng bán thân lớn của Phan Châu Trinh màu trắng, đặt trong hồ nước hình tròn, chung quanh là những luống hoa đủ loại, những tán cây xum xuê tỏa mát. Phía sau bức tượng là đền thờ Phan Châu Trinh. Đền thờ này được xây năm 1993 mô phỏng theo ngôi đền cũ xây năm 1930, tại số 23 Nguyễn Huy Tự quận 1. Do ngôi đền cũ ở tại khu dân cư đông, việc thờ cúng bị ảnh hưởng, nên đền cũ được dở bỏ. Đền mới được xây lại, cũng mô phỏng theo kiến trúc đền cũ, với nền hình bát giác, mái ba tầng kiểu cổ điển.

Khu lăng mộ cụ Phan Châu Trinh, ảnh nhìn từ chính diện. Ảnh: Nguyễn Thanh Quang

Từ ngôi đền và bức tượng có trải một con đường nhỏ dẫn đến phần mộ, nằm bên tay phải đền thờ. Mộ phần cụ Phan có ở đây từ năm 1926, sau khi cụ mất. Ban đầu là ngôi mộ nhỏ, nay đã được tu bổ theo kiểu một ngôi nhà mồ, rộng rãi, có mái ngói che nắng, có kê ghế đá để nghỉ ngơi, thuận tiện cho khách thăm viếng. Mộ phần của cụ Phan nằm giữa, hình chữ nhật, trên có tấm bia khắc chữ Hán, dịch ra là “Mộ của nhà chính trị cách mạng Việt Nam Phan ChâuTrinh, quốc dân cùng kính tặng”. Sau mộ là tấm bia đá bằng cẩm thạch lớn, có bài nói về thân thế sự nghiệp của cụ Phan do Huỳnh Thúc Kháng soạn ngày 2/8/1926. Phía trước mộ có một đỉnh hương bằng xi măng màu trắng.

Nhà lưu niệm nằm ở bên trái đền thờ, là nơi bày những di vật, di bút, trước tác của cụ và những tư liệu, hiện vật về hoạt động cách mạng của Phan Châu Trinh, cạnh đó cũng có những tư liệu về các phong trào yêu nước vào thời của cụ.

Phan Châu Trinh, còn gọi Phan Chu Trinh, Phan Tây Hồ, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 tại Quảng Nam. Cụ từng đậu phó bảng cùng khoa với Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh Sắc. Sau đó cụ về quê dạy học, rồi làm quan. Con đường cách mạng của cụ bắt đầu từ khi cụ từ quan, bắt đầu chuyến vào nam ra bắc. Trên đường đi, cụ gặp được những người bạn đồng chí hướng, như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng… nhóm bạn cùng thực hiện việc kêu gọi thức tỉnh, dấn thân để cùng tìm đường giải phóng cho dân tộc.

Sau thời gian tìm hiểu và hoạt động trong nước, cụ Phan xuất ngoại. Cụ gặp Phan Bội Châu ở Trung Quốc, cả hai cùng đi Nhật để học hỏi kinh nghiệm duy tân của Nhật Bản. Trở về nước, cụ cùng các chiến hữu đi khắp Quảng Nam và các tỉnh lân cận để phát động, kêu gọi cho phong trào Duy Tân. Chủ trương Duy Tân của Phan Châu Trinh là nâng cao dân trí bằng Quốc ngữ, bỏ lối học cũ, cùng với việc mở rộng kinh tế, cải tiến công nghệ. Về quan điểm cách mạng, khác với Phan Bội Châu muốn duy trì nền quân chủ và dùng bạo động đánh Pháp, Phan ChâuTrinh chủ trương dân chủ và ôn hòa, dựa vào Pháp để đất nước mạnh hơn rồi mới tính sổ với Pháp.

Quan điểm cách mạng của cụ Phan vẫn được giữ vững đến cuối đời. Cụ từng bị bắt ở Hà Nội, kết án tử hình ở Huế, rồi được giảm án, cho đi đày ở đảo Côn Lôn, rồi chịu quản thúc ở Mỹ Tho. Sau khi nhất định không chịu bị quản thúc, cụ được chính quyền Đông Dương đem qua Pháp để dạy chữ Hán cho dân Pháp. Tại đây cụ tiếp tục hoạt động, từng cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản “Yêu sách của dân An Nam” gửi cho Pháp, lấy tên chung là Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1925, sức khỏe của Phan ChâuTrinh giảm sút, Pháp bèn cho cụ về Sài Gòn. Tại Sài Gòn, cụ được Nguyễn An Ninh dẫn đến ở tại khách sạn Chiêu Nam Lầu, nay là số 49 đường Nguyễn Huệ, sau đó ở nhà ông Nguyễn An Khương, cha của Nguyễn An Ninh ở Hóc Môn. Thời gian ngắn ngủi này, tuy bệnh tật cụ nhưng vẫn tổ chức các cuộc diễn thuyết về dân chủ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các bạn trẻ ở Sài Gòn lúc ấy. Trưa ngày 24 tháng 3 năm 1926, cụ Phan nghe tin Nguyễn An Ninh bị mật thám bắt, và cũng trong đêm đó, cụ qua đời tại khách sạn Chiêu Nam Lầu.

Ngày 4 tháng 4 năm 1926, linh cửu của Phan Châu Trinh được đưa đến nghĩa trang của hội Gò Công tương tế. Lễ tang được ghi nhận là lớn chưa từng có ở Sài Gòn, với hơn 6 vạn người dân sắp hàng dài suốt từ con đường nay là đường Pasteur, ra Phú Nhuận rồi lên vùng Tân Sơn Nhất. Cuộc đại tang cũng trở thành quốc tang, với lễ truy điệu tổ chức khắp ba miền, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền Pháp, và sâu xa hơn, nó trở thành một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng, một sự kiện chính trị đầy ảnh hưởng.

Ngày nay nhắc tới Phan Châu Trinh, là nhắc tới một nhà cách mạng có tư tưởng, đường lối rõ ràng, ý chí kiên định, nhưng không gặp thời. Tuy việc lớn không xong, nhưng những gì cụ làm với với đất nước luôn được hậu thế ghi nhận, nhắc nhở một cách trân trọng. Khu lăng mộ và lưu niệm của cụ tại Sài Gòn đã được xếp hạng di tích quốc gia, được bảo quản tốt, cùng với các hoạt động tưởng niệm diễn ra thường niên một cách trọng thể tại đây, là một cách để thể hiện lòng cảm phục và kính trọng của nhân dân đối với một nhà cách mạng tiên phong, nhà yêu nước lớn.

Anh Khiêm (saigonxua.com)


Chia sẻ qua

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *